Thời của tiền mặt là... vua

Gia Lê| 27/10/2020 03:27

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đầu ra của doanh nghiệp bị thu hẹp khi cầu tiêu dùng vẫn yếu và hoạt động giao thương vẫn trì trệ, nên doanh nghiệp nào sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, đòn bẩy tài chính thấp được đánh giá có rủi ro ít, khả năng chống chịu với thách thức từ đại dịch tốt hơn, cũng như hạn chế được rủi ro thanh toán.

Giá cổ phiếu Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) đã tăng vọt hơn 20% chỉ trong vòng 4 phiên giao dịch từ ngày 14-19/10/2020, sau khi công bố lợi nhuận quý III tăng mạnh gấp 2,8 lần so với cùng kỳ. Việc SMC gần đây được tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung tại Việt Nam, khi được lựa chọn là đối tác cung cấp dịch vụ và sản phẩm thép cho Samsung điện tử cũng là chất xúc tác quan trọng cho giá cổ phiếu công ty này.

Tuy nhiên, một yếu tố khác khiến nhà đầu tư đánh giá sức hút tiềm năng của cổ phiếu này còn là lượng tiền mặt nắm giữ khổng lồ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, SMC hiện có tiền mặt và tiền gửi ngân hàng hơn 1.230 tỷ đồng, gấp 1,7 lần mức vốn hóa (được tính bằng thị giá giao dịch nhân với số lượng cổ phiếu đang lưu hành) của công ty trên thị trường. 

bai-3-SMC-8402-1603767064.jpg

Ngoài SMC, theo báo cáo tài chính quý III cũng cho thấy một số doanh nghiệp có lượng tiền đang nắm giữ cao hơn mức vốn hóa thị trường. Có thể kể đến như CTCP Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) khi đang nắm giữ lượng tiền hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó hơn 1.250 tỷ đồng là đang gửi ở ngân hàng, gấp gần 1,2 lần mức vốn hóa theo thị giá giao dịch ngày 20/10/2020. 

Lượng tiền của NDN dồi dào một phần nhờ vào trong quý III tiếp tục ghi nhận doanh thu chuyển nhượng căn hộ dự án Monarchy Block B, giúp doanh thu thuần quý III/2020 gần 482 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ hơn 6 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp thu về hơn 194 tỷ đồng (cùng kỳ chưa tới 1 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp bất động sản này có doanh thu thuần 697 tỷ đồng và lãi ròng hơn 254 tỷ đồng, lần lượt gấp 23 lần và 4,4 lần cùng kỳ.

Hay như CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (HOSE: PGD) cũng đang nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng hơn 2,5 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý III, gấp gần 1,1 lần mức vốn hóa của công ty. Đáng lưu ý là sau quý II bất ngờ ghi nhận lỗ lần đầu tiên sau 7 năm, PGD đã có lãi trở lại hơn 89 tỷ đồng trong quý III, tăng mạnh 33% so cùng kỳ. 

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác tuy chưa công bố báo cáo quý III nhưng theo báo cáo quý II cũng có lượng tiền mặt nắm giữ dồi dào đáng chú ý như  CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HOSE: HHS), Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX:PVS), CTCP Cảng Đoạn Xá (HNX: DXP), CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP)...

Về cơ bản, những công ty nào có lượng tiền đang nắm giữ cao hơn cả vốn hóa thị trường của công ty được cho là có khả năng giá giao dịch của cổ phiếu đang thấp hơn giá trị thật. Trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đầu ra của doanh nghiệp bị thu hẹp khi cầu tiêu dùng vẫn yếu và hoạt động giao thương vẫn trì trệ, nên doanh nghiệp nào sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, đòn bẩy tài chính thấp được đánh giá có rủi ro ít, khả năng chống chịu với thách thức từ đại dịch tốt hơn, cũng như hạn chế được rủi ro thanh toán.

34343rr-7818-1603767064.jpg

Bên cạnh đó, lượng tiền mặt tăng lên đều đặn và ổn định là một tín hiệu cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt, đang phát triển rất mạnh. Đặc biệt, nếu như trong tình hình hoạt động bình thường, việc nắm giữ nhiều tiền mặt được cho là làm tăng chi phí cơ hội và hiệu quả sử dụng vốn thấp, thì trong giai đoạn nền kinh tế nhiều bất ổn như hiện nay, doanh nghiệp nào có nhiều tiền mặt không chỉ chống chọi tốt hơn như đã nói, mà còn có thể giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn và thực hiện các phi vụ thâu tóm một cách nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, theo suy nghĩ của các nhà đầu tư, nếu doanh nghiệp có bất cứ một lượng tiền mặt nào cao hơn mức cần thiết thì lượng tiền mặt đó nên được phân phối lại cho các cổ đông thông qua cổ tức hoặc mua lại cổ phần. Sau đó, nếu các nhà quản trị tìm thấy các cơ hội đầu tư mới, họ có thể ra thị trường vốn phát hành cổ phần để huy động lượng vốn cần thiết. Vì vậy, trước những bất ổn trên thị trường gần đây cũng tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư tìm kiếm và tích lũy các cổ phiếu có tiền mặt lớn nhưng giá trị bị định giá thấp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có lượng tiền mặt quá dồi dào giúp cho các nhà quản trị giảm áp lực cho quá trình vận hành doanh nghiệp. Họ không bị sức ép phải tính toán điều hành hợp lý nhất để đáp ứng được các nghĩa vụ ngắn hạn như các doanh nghiệp chỉ có lượng tiền mặt vừa phải theo mức cần thiết.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến các kịch bản doanh nghiệp khi nắm giữ tiền mặt quá lớn có thể mạo hiểm thực hiện những dự án đầu tư rủi ro và kém hiệu quả, lao vào các thương vụ thâu tóm lãng phí, nhằm tranh thủ tìm kiếm lợi ích cá nhân. Do đó, việc chú trọng theo dõi chiến lược sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng là điều cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời của tiền mặt là... vua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO