Triết lý võ học vận dụng trong đời sống và công việc của doanh nhân

Mai Việt Hà (*)| 26/10/2021 04:45

Mỗi chúng ta ai cũng có giá trị và triết lý sống của mình. Giá trị và triết lý ấy được hình thành từ nền tảng gia đình, môi trường giáo dục, học tập và làm việc, trong đó có người thân, người thầy, bạn hữu, cộng đồng xã hội... và cuối cùng là sự trau dồi rèn luyện của từng cá nhân.

Triết lý võ học vận dụng trong đời sống và công việc của doanh nhân

Ông Mai Việt Hà đại diện cho SAVICO ký kết hợp đồng cùng đối tác VietinBank năm 2016

Riêng tôi, lại vận dụng sự tương đồng các giá trị, triết lý võ học với triết lý kinh doanh và cuộc sống.

Môn võ học Vịnh Xuân Quyền Khí Công mà tôi và một số doanh nhân và nhà lãnh đạo đang rèn luyện đề cao giá trị của Nhân- Lễ- Nghĩa- Trí- Tín.

Chữ Nhân trong võ học là nói về con người, con người là chủ thể, là trung tâm của các mối quan hệ. Rèn Nhân để bồi đắp sự tốt đẹp, cách ứng xử phù hợp và đặc biệt biết quan tâm đến người khác, kể cả đối thủ khi chúng ta nhấc chân, ra tay...có thể ảnh hưởng đến tính mạng, thân thể của người khác. Người ta hay nói hạ thủ lưu tình là vậy. Nên học võ là để rèn Nhân và rèn tính là thế.

Tương tự triết lý này cũng phù hợp với cuộc sống và kinh doanh. Chúng ta làm gì cũng nên nghĩ đến những người xung quanh, đồng nghiệp và nhân viên của mình, quan tâm và hỗ trợ họ cùng phát triển. Kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận cũng cần nghĩ đến xã hội, đừng để ảnh hưởng đến mọi người, môi trường sống hay triệt hạ đối thủ bằng mọi thủ đoạn, mọi giá. Trong các mối quan hệ mà không biết cân bằng lợi ích, không phù hợp thì sớm muộn mối quan hệ ấy cũng tan vỡ. Điều này luôn nhắc nhở tôi cố gắng nhìn nhận và đặt mình ở chiều ngược lại. 

26-10-Pic-6-1925-1635226434.jpg

Một buổi lên lớp tại võ đường của Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn tại Ukraina.

Chữ Lễ thể hiện cách cư xử chào hỏi thầy, các đồng môn và kể cả khác môn phái. Vì thế trong võ thuật hay nói bái sư, bái tổ... trước khi vào lớp hay ra về đều chào lớp, chào thầy. Trước khi tập hay kết thúc một bài quyền thì bái tổ để tưởng nhớ sư tổ đã sáng lập và truyền thụ.

Lễ trong gia đình hay tổ chức cũng thế, cha mẹ, con cái hay sếp và nhân viên cũng cần biết và ứng xử phù hợp tôn trọng lịch sử, văn hóa doanh nghiệp, tôn trọng người trên, cấp dưới thì tổ chức đó, gia đình đó mới có kỷ luật. Đối với tôi sự tôn trọng người khác, đồng nghiệp hay nhân viên cũng là sự tôn trọng bản thân mình. 

Chữ Nghĩa trong võ thuật đề cao tính nghĩa hiệp, trượng nghĩa giúp người. Nghĩa còn là sự biết ơn và trả ơn. Người học võ thường không quên ơn ai và luôn muốn trả ơn nhất là ơn thầy, ơn bạn. Chúng ta có thể không nhớ một thầy dạy chữ (vì có nhiều) nhưng chắc chắn không ai quên người thầy dạy võ của mình. Sư phụ tôi cũng từng nhắc như vậy.

Giá trị của chữ Nghĩa trong võ học cũng giúp tôi bổ trợ thêm cho cuộc sống và công việc của tôi. Tôi luôn nhắc mình ghi nhớ và biết ơn những người giúp đỡ mình và cũng luôn hỗ trợ giúp đỡ những người khác trong khả năng của mình và không bao giờ đòi hỏi họ phải nhớ ơn mình. 

26-10-Pic-3-8449-1635226434.jpg

Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn, người sáng lập Võ đường Vịnh Xuân Quyền Khí Công Việt Nam

Chữ Trí là sự sáng tạo, sự đổi mới và vận dụng linh hoạt các đòn thế. Người học võ có Trí sẽ khác với người học theo kiểu vô trí chỉ biết hùng hục dùng sức. Trí còn là sự đổi mới để phát triển môn phái lớn mạnh. Sư phụ tôi đã kết hợp hài hòa hai trường phái khí công (Thái Dương + Thái Âm) và truyền thụ tinh túy Vịnh Xuân cho rất nhiều thế hệ đệ tử ở Việt Nam và nước ngoài.

Trí cũng còn đi cùng với Dũng để thể hiện dũng khí và uy quyền của người học võ.

Trong cuộc sống và công việc mình, tôi không thích sự nhàm chán và lặp lại. Tôi thích sự vận động và phát triển cũng như thay đổi để tốt hơn. Việc thay đổi sẽ rất hiệu quả nếu biết vận dụng và phát huy giá trị gốc, cái tích cực và loại bỏ cái cũ không còn phù hợp với môi trường mới đã thay đổi. Cũng như khi lên võ đài hay trên thương trường không phải anh cứ đưa hết cái anh học ra là tốt mà phải biết nhìn đối thủ, thay đổi linh hoạt các đòn thế, giải pháp, mới mong chiếm lợi thế. 

Chữ Tín là chữ cuối nhưng cũng là yếu tố quan trọng nhất của người tập võ. Thầy luôn dạy chúng tôi phải biết giữ chữ Tín, đó là danh dự, uy tín, giá trị của mỗi người. Khi chúng ta nói được thì phải làm bằng được. Người học võ có thể bỏ tất cả để giữ chứ Tín cho mình. Tín cũng đơn giản là sự đúng giờ khi đến lớp, hứa với thầy với đồng môn như thế nào thì thực hiện như thế.

Điều này tôi cũng học được từ các anh lãnh đạo và tôi rất coi trọng chữ Tín, đã hứa với ai làm gì thì sẽ làm, luôn tôn trọng đối tác và thói quen đúng giờ. Đối với đối tác và mọi người, tôi cũng kỳ vọng như vậy và rất ghét người bất tín. Chỉ một lần ai đó bất tín thì cho dù người đó là ai cũng sẽ không còn ý nghĩa. Tôi cũng không phải là người thích luồn cúi và chỉ cúi đầu trước lẽ phải! 

Ông Mai Việt Hà (bên trái) và Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn bên phải

Ông Mai Việt Hà (bên trái) và Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn bên phải

Vịnh Xuân có nguyên tắc thủ là trực diện với đối thủ, nhìn thẳng đối thủ để hiểu họ sẽ làm gì, từ đó có ứng biến phù hợp. Điều này cũng rất hay khi ta áp dụng vào cuộc sống và công việc. Có lúc chúng ta không hiểu nhau hoặc bị thông tin nhiễu thì trực diện trao đổi để hiểu và xử lý sẽ rất hiệu quả và không mất thời gian.

Hay nguyên lý Cương - Nhu, Vịnh Xuân đề cao sự mềm dẻo, uyển chuyển như nước nhưng khi cần cũng mạnh mẽ ào ạt như sóng vỗ. Điều này cũng có thể ứng dụng trong cuộc sống, cương quá cũng không tốt mà nhu quá cũng không hay. Nhường nhịn để tránh căng thẳng và bình tĩnh xoay chuyển đến tình thế hài hòa nhưng khi cần thì cương để kết thúc.

Tôi may mắn được giáo dục theo truyền thống gia đình từ nhỏ, lớn lên được gặp các đàn anh đi trước truyền dạy và học được nhiều điều hay, được tiếp cận văn hóa Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie và được chia sẻ giá trị đó với những người bạn tâm giao khi thành lập và sinh hoạt trong CLB lãnh đạo Đắc Nhân Tâm; được gặp và học võ đạo với Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn (*) trong 10 năm qua. Những mối nhân duyên này đã làm giàu thêm và giúp tôi hình thành nhân cách và quan điểm sống của riêng mình.

Cảm ơn Thầy và mọi người đã giúp tôi vun đắp và phát triển các giá trị đó.

(*) Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn - SAVICO

Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn được biết đến là một bậc thầy của môn phái Vịnh Xuân, người đã có công phát triển và vang danh môn võ này không chỉ trong nước mà còn tại Liên bang Nga và Đông Âu. Ông mất ngày 24/8/2021, trong giai đoạn giãn cách xã hội tại TP.HCM vừa qua. Nhiều môn sinh của Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn là những doanh nhân, nhà lãnh đạo thành công trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triết lý võ học vận dụng trong đời sống và công việc của doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO