Thích ứng công nghệ số: Doanh nghiệp tạo doanh thu "ngược dòng"

Minh Vy| 13/06/2021 04:00

Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 25% và tiếp tục tăng trong tương lai, có thể là kim chỉ nam cho chiến lược tái cấu trúc của các nhà bán lẻ, theo khảo sát của Nielsen. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp (DN) đủ "dũng cảm" và nguồn lực để thích ứng với công nghệ số, các kênh bán hàng trực tuyến và thương mại đối thoại.

Lên mạng mua sắm ngày càng tăng

Thời đại công nghệ số ra đời, nếu DN đưa ra được những hướng giải quyết, thay đổi sẽ giúp biến thách thức thành cơ hội, từ đó DN sẽ không ngừng phát triển và vươn xa mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia công nghệ, hiện nay việc chuyển đổi số (CĐS) của DN rất thuận lợi vì có nhiều công nghệ tốt, hạ tầng tốt, nhân lực tốt. Tuy nhiên, công nghệ, công cụ, ngôn ngữ lập trình, nhân sự là giống nhau nhưng quyết định giải pháp CĐS thành công thuộc về các chủ DN. CĐS phải đáp ứng từng nhu cầu kinh doanh, quản lý của DN cụ thể. Từ đó, trang bị các gói công nghệ, cách thức áp dụng công nghệ phù hợp.

"Xu hướng mua sắm trực tuyến trong dịch Covid-19 đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh online. Mua sắm online hiện đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm lên tới hai con số", bà Lê Minh Trang - Đại diện Công ty Nielsen Việt Nam cho biết. Chỉ riêng thương mại điện tử (TMĐT) trên di động, dự kiến năm 2021 doanh thu sẽ đạt 7 tỷ USD và đến năm 2023 có khả năng sẽ chạm tới mức 10,2 tỷ USD, theo Savills.

Cũng theo báo cáo từ Adsota, thời điểm đại dịch bùng phát, TMĐT Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. 41% tăng trưởng người dùng mới từ các nền tảng TMĐT tại Việt Nam và có tới 91% quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng TMĐT kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch.

Thói quen và hành vi người tiêu dùng thay đổi cũng là dịp để DN phải thích nghi với việc mua bán trao đổi hàng hóa theo kiểu mới, nhất là phải nhanh chóng thấu hiểu và tìm cách cá nhân hóa trải nghiệm người tiêu dùng bằng các ứng dụng số.

ecommerce-1561-1623400033.jpg

Vấn đề là biết vận dụng

Một luật chơi trong sân chơi CĐS sẽ là "cá nhanh nuốt cá chậm" chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Nghĩa là ngay cả các DN "cá mập", nếu không chịu thích ứng với sân chơi thì vẫn có thể có ngày chấm dứt, hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp "đàn em" biết nhận dạng nhanh, thích nghi nhanh với xã hội số 4.0.

Để bước vào sân chơi thành công, các chuyên gia cho rằng, DN cần phải biết rõ mình muốn gì, cần gì, kỳ vọng trong tương lai như thế nào. Một thực tế khiến nhiều DN chưa "dũng cảm" CĐS vì cho rằng chưa có nhiều tiền và nội lực còn yếu. Thật ra, công cụ để DN tham gia sân chơi thế giới số rất nhiều. Vấn đề là biết tận dụng. Ngoài việc ứng dụng các phần mềm để giải quyết các bài toán kinh doanh và vận hành DN thì việc sử dụng thương mại hội thoại (là thương mại điện tử trên nền tảng di động, tích hợp khả năng giao tiếp giữa người bán và người mua thông qua các ứng dụng tin nhắn như Facebook Messenger, WhatsApp...), vốn đang bùng nổ trong khu vực cũng là cách giúp một số DN bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng lạc quan.

Áp dụng công nghệ số vào kinh doanh thông qua hợp tác với Facebook Messenger, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là một điển hình cho cú lội "ngược dòng" về doanh thu khi dịch Covid-19 khiến thị trường trang sức sụt giảm. Ông Phan Quốc Kiệt - Giám đốc Bán hàng đa kênh của PNJ cho biết, sau khi chạy chiến dịch quảng cáo click-to-Messenger, PNJ đã tiếp cận được nhiều khách hàng và từ đó thôi thúc họ chuyển từ cân nhắc mua sản phẩm sang hành động.

Nhờ ứng dụng thương mại hội thoại, PNJ tăng doanh số bán hàng, từ tháng 9 đến tháng 10/2020, thu về lợi nhuận gấp 138 lần so với số tiền chi cho quảng cáo (tính cả doanh số bán hàng trực tuyến và trực tiếp tại cửa hàng). Tỷ lệ chuyển đổi từ Messenger thành giao dịch thành công là 10% và có tới 17.000 cuộc hội thoại được tạo ra trong suốt chiến dịch.

Năm 2020, doanh thu bán lẻ của PNJ lại lội ngược dòng tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng trong quý I/2021, doanh số bán hàng trực tuyến của công ty đã tăng hơn 400% so với cùng kỳ. Và kênh online đã hỗ trợ đắc lực cho đà tăng trưởng của PNJ, giúp tiếp tục đẩy nhanh các mục tiêu dài hạn bao gồm mở rộng chuỗi bán lẻ, đầu tư vào dây chuyền sản xuất và CĐS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thích ứng công nghệ số: Doanh nghiệp tạo doanh thu "ngược dòng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO