Mùa sản xuất Tết: Khó nhưng sẽ cố

Hồng Nga| 30/11/2021 06:00

Chưa có năm nào việc sản xuất lại khó khăn như hiện nay, vì vậy mà các doanh nghiệp (DN) vẫn e dè với kế hoạch dù Tết Nguyên đán không còn xa.

Mùa sản xuất Tết: Khó nhưng sẽ cố

Vừa làm vừa nghe ngóng

Mặc dù chỉ còn hai tháng nữa đến Tết Nguyên đán, nhưng Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt vẫn sản xuất cầm chừng để nghe ngóng tình hình. "Việc lên kế hoạch sản xuất cho mùa Tết năm nay cực kỳ khó khăn vì lệ thuộc vào Covid-19. Hiện người từ Sài Gòn về quê thời gian qua vẫn chưa trở lại hết, tâm lý thắt lưng buộc bụng phổ biến trong người tiêu dùng. Vì thế, chúng tôi vừa làm vừa theo dõi tình hình dịch bệnh và tùy cơ ứng biến", ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết.

Tương tự, Công ty Ba Huân cũng vẫn chưa dám bung hết công suất để sản xuất hàng Tết và vẫn đang thăm dò thị trường. Hiện sức mua quá yếu, giảm đến 30% so với trước dịch bệnh nên mặc dù công ty triển khai các chương trình khuyến mãi sâu nhưng sức mua vẫn chậm. "Trước đây, mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 1,5 triệu trứng gia cầm, nhưng hiện nay chỉ bán được chưa đến 1 triệu quả", đại diện công ty cho biết.

Năm nay, Công ty Vissan chuẩn bị hơn 754 tỷ đồng để dự trữ 2.800 tấn thịt heo (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và 4.200 tấn thịt chế biến (tăng 6%). Nếu như thị trường ổn định, công ty này sẽ đưa vào sản xuất thực phẩm chế biến cho quý I/2022. 

Công ty CP Bibica lên kế hoạch đưa ra thị trường Tết 2022 khoảng 2.000 tấn bánh kẹo. Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Bibica cho biết, dù mới bắt đầu phục hồi sau dịch nhưng công ty phải bắt tay vào làm hàng Tết. Công ty cơ cấu sản phẩm với khoảng 70 chủng loại từ bình dân đến cao cấp để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Khó chồng khó

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM cho rằng, mọi năm các DN ngành lương thực, thực phẩm của thành phố đã chuẩn bị nguồn hàng gối đầu một tháng trước Tết và cả sau Tết với mức dự trữ tăng 20%, nhưng năm nay điều này là rất khó. Dịch bệnh khiến DN không yên tâm với kế hoạch sản xuất hàng Tết. Vấn đề đứt gãy nguồn nguyên liệu sản xuất đã được giải quyết nhưng nguyên vật liệu lại đối diện với việc tăng giá do dịch toàn cầu. Các loại nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài đều tăng 20-30%, hàng trong nước do đứt gãy vừa rồi vì sản xuất không đều cũng tăng 10-15%. Đã vậy, việc cạn kiệt nguồn tiền nhưng không nhận được nhiều sự hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng nên DN phải tự bơi, tự vay mượn nên khó khăn chồng khó khăn.

Ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, sau dịch, một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20-30%. Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh. Ngoài giá nguyên vật liệu tăng, công ty còn đang gánh thêm chi phí vận chuyển. Hiện công ty có 300 đầu xe, khi giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển của DN cũng tăng theo, chưa kể chi phí bao bì, in ấn cũng leo thang.

Đảm bảo nguồn cung

Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường, sức mua trong Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm 10-20% so với Tết năm trước. Theo ông Đặng Thành Trung - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy đặc sản (Seapimex), khó khăn nhất hiện nay là giá nguyên phụ liệu đầu vào tiếp tục tăng mạnh, có nhóm đã tăng trên 50% so với đầu năm 2021. Vậy nhưng, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, vì vậy công ty phải chủ động đa dạng sản phẩm, giá cả, phù hợp từng phân khúc tiêu dùng.

Link bài viết

Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã cùng các đơn vị, DN cung ứng xuống các tỉnh, thành, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết. Hiện các DN đã làm việc với các nhà sản xuất, cung ứng ở các tỉnh, thành và cam kết đảm bảo đầy đủ hàng hóa Tết cho dù bất cứ tình huống nào xảy ra. Không chỉ vậy, để kiểm soát giá cả bình ổn, nhiều đơn vị và DN cũng đã lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng để có giá bình ổn khi thị trường tăng đột biến vào dịp cận Tết.

Dù chi phí sản xuất tăng, giá nguyên liệu tăng nhưng nhiều DN cho biết vẫn cố gắng ổn định giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng, cũng là để kích cầu mua sắm. Đơn cử, các DN như Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân, Vissan đều đăng ký chương trình bình ổn giá, chạy khuyến mãi xuyên suốt từ nay đến cuối năm để kích thích sức mua, hỗ trợ người tiêu dùng và cam kết không thiếu thực phẩm ngành hàng này trong dịp Tết.

Ông Bùi Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty CP Dầu thực vật Tường An cũng cho biết, năm nay công ty không chỉ tăng sản lượng dầu ăn ra thị trường lên 30% so với cùng kỳ mà còn thiết kế bộ quà tặng mang ý nghĩa Tết an khang, cát tường.

Mặc dù đang nỗ lực nhưng các DN TP.HCM cũng mong có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Cụ thể, DN đề nghị nhà chức trách có các giải pháp hỗ trợ để nguyên liệu đầu vào, xăng, dầu, gas... không tăng giá đột ngột. Song song đó, Chính phủ cũng nên có các giải pháp hỗ trợ về tài chính, thuế phí để DN sớm khôi phục sản xuất, ổn định giá cả hàng hóa.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa sản xuất Tết: Khó nhưng sẽ cố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO