Thiếu lao động mùa giáp Tết: Doanh nghiệp khó đơn, khó kép

Gia Lê| 27/01/2022 07:00

Ngoài bài toán thiếu hụt lao động, các chủ doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với áp lực người lao động tại một số nhà máy yêu sách ngừng việc đòi tăng thưởng Tết.

Theo báo cáo từ các DN, có hơn 420.000 công nhân làm việc tại các nhà máy ở lại TP.HCM đón Tết, tăng hơn năm trước gần 130.000 người, tương đương tăng khoảng 30%. Bên cạnh TP.HCM, các tỉnh, thành phía Nam cũng ghi nhận số lượng lớn công nhân ở lại dịp Tết. Như tại Bình Dương, khoảng nửa triệu lao động làm việc trong các nhà máy chọn ở lại.

Nguyên nhân chính là do thu nhập người lao động giảm sút nên nhiều người hạn chế không về quê, bên cạnh những lo ngại dịch bệnh lây lan và các quy định cách ly của địa phương. Dù vậy, các DN vẫn đang đau đầu với bài toán thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong giai đoạn giáp Tết, vốn là thời gian cao điểm cần phải tăng công suất sản xuất để đáp ứng đơn hàng lên cao vào cuối năm.

Có nhiều nguyên nhân lý giải tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay. Đầu tiên là những tháng giãn cách xã hội kéo dài trong quý II và quý III năm vừa qua tại thành phố đã đẩy một lực lượng lớn lao động về quê để tránh dịch và hiện vẫn chưa quay lại thành phố. Đáng lưu ý là hiện nay nhóm lao động hồi hương đang có khuynh hướng trải nghiệm các công việc tự do, phi chính thức, tìm kiếm cơ hội việc làm tại quê nhà, thay vì bươn chải trở lại thành phố.

lao-dong-7289-1643180007.jpg

Trong khi đó, một bộ phận người lao động đã nghỉ việc thời gian qua lại có tâm lý chờ qua Tết mới bắt đầu trở lại thành phố để tìm công việc dài hạn, khiến tình trạng "lệnh pha" cung - cầu thị trường lao động càng thêm trầm trọng. Khảo sát của một số tổ chức về việc làm cho thấy trong khi nhu cầu tuyển dụng của các DN tăng mạnh so với trước thời điểm dịch bùng phát, thì nhu cầu tìm việc của người lao động đã giảm đáng kể.

Theo giới phân tích, những năm trước đây thành phố luôn có nguồn lao động dự phòng là sinh viên, nhưng năm nay do dịch bệnh nên các trường chuyển sang dạy trực tuyến, vô tình đẩy nhóm này về quê, khiến nguồn cung lao động thời vụ thiếu hụt. Khi các địa phương nới giãn cách, đi lại dễ dàng thì Tết đã cận kề khiến nhiều người do dự và đợi đến đầu năm mới. Ngoài ra, mọi năm thành phố cũng thường đón lượng lớn lao động thời vụ ở các tỉnh lên làm hàng Tết ở các nhà máy, nhưng năm nay cũng vì ảnh hưởng dịch bệnh nên thị trường lao động khá ảm đạm.

Theo giới chủ DN, những áp lực về chi phí, nguyên liệu có thể xoay sở được nhưng tình trạng thiếu nhân công kéo dài, đặc biệt là thời điểm cuối năm khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Đáng nói là thời gian gần đây, nhiều địa phương vận động người dân hạn chế về quê ăn Tết, hoặc yêu cầu nếu về phải cách ly đến 14 ngày, khiến nhiều người lo lắng và xin nghỉ sớm về quê để đáp ứng thời gian cách ly.  

Hệ quả là trong khi nhà máy cần nhân lực để làm đơn hàng Tết cuối năm nên vận động người lao động trở lại với nhiều chính sách phúc lợi, nhưng không ít người vẫn từ chối. Hiện TP.HCM có hơn 1,5 triệu lao động làm việc tại các nhà máy, trong đó gần một nửa là người ngoại tỉnh.

Ngoài bài toán thiếu hụt lao động, các chủ DN đang phải đối mặt với áp lực người lao động tại một số nhà máy yêu sách ngừng việc đòi tăng thưởng Tết. Trong năm 2021 vừa qua, phần lớn người lao động đối mặt nhiều khó khăn do việc làm, thu nhập giảm, đặc biệt là người công nhân thường không có tích lũy nên đặt nhiều kỳ vọng vào tiền thưởng Tết để thêm một khoản chi tiêu.

Trong khi đó do Covid-19 và chuỗi cung ứng đứt gãy khiến sản xuất ngưng trệ, đơn hàng giảm hoặc bị chậm trễ, hiệu quả kinh doanh giảm sút, hơn 50% DN ở thành phố gặp khó khăn khi thưởng Tết cho người lao động. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Thành phố, thưởng Tết năm nay giảm 30% so với trước. Nhiều DN nhỏ thưởng dưới mức 4 triệu đồng. Một số nhà máy đến nay chưa có kế hoạch thưởng.

Bà Nguyễn Thị Ánh - Tổng giám đốc Công ty thủy sản Sông Tiền

Mặc dù các kế hoạch về doanh thu đều không đạt được trong năm 2021, tuy nhiên công ty vẫn duy trì thưởng lương tháng 13 cho người lao động. Với những người có thâm niên và có những thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất, công ty cũng có chế độ thưởng thêm. Tính bình quân, người được thưởng thấp nhất cũng khoảng 7 triệu đồng, người cao nhất khoảng 15 triệu đồng. Ngoài ra, công ty cũng sẽ cho toàn bộ người lao động ứng 15 ngày lương của tháng này để họ có tiền mua sắm, trang trí nhà cửa trong dịp Tết. Đây là mức thưởng tương tự mọi năm, nhằm động viên người lao động sau một năm đầy khó khăn. 

Hiện tại, công ty vẫn chưa tuyển đủ công nhân để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Vì thế, công ty đành phải bỏ không một số chuyền thiếu người lao động và tích cực tuyển dụng nguồn lao động mới. Ngoài việc tăng lương, thưởng, công ty cũng đảm bảo thực hiện đầy đủ phúc lợi như BHXH, BHYT để thu hút người lao động.

Ông Nguyễn Liêm - Giám đốc Công ty CP Lâm Việt 

Ở thời điểm hiện tại công ty chỉ mới khởi động lại được gần hai tháng và mọi thứ chỉ mới phục hồi khoảng 70%. Với những tác động to lớn từ làn sóng dịch Covid-19 lần 4, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp vô vàn khó khăn. Những kế hoạch về xuất khẩu, lợi nhuận đều không đạt được. Tuy vậy, công ty vẫn sẽ duy trì mức thưởng lương tháng 13 cho công nhân, những cá nhân xuất sắc có thể được thưởng thêm tháng 14 để anh em tiếp tục gắn bó trong thời gian tới.

Để kịp tiến độ sản xuất vì số đơn hàng hiện khá nhiều và thu hút người lao động, công ty đã đưa ra những mức lương cao hơn cho những người lao động mới. Và những người mới vào làm việc thời gian gần đây công ty cũng sẽ dựa vào số ngày làm để có mức thưởng Tết phù hợp.

Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Công ty Thời trang Myone

Cuối năm nay, công ty vẫn duy trì thưởng tháng lương 13 cho toàn bộ người lao động đang làm việc tại đây. Với những lao động làm việc tại công ty nhiều năm và đạt vượt KPI, công ty sẽ có mức thưởng thêm. Theo đó, bình quân mỗi người sẽ nhận được ít nhất 9 triệu đồng tiền thưởng, cao nhất là trên dưới 15 triệu đồng. 

T. H ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiếu lao động mùa giáp Tết: Doanh nghiệp khó đơn, khó kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO