TP.HCM gấp rút mở lại chợ để “chia lửa” với siêu thị

Hồng Nga| 14/07/2021 07:41

Nguồn thực phẩm từ các tỉnh đang được tăng cường vận chuyển cho TP.HCM. Và bằng nhiều hình thức khác nhau, ngành công thương đang phối hợp với các doanh nghiệp (DN) bổ sung nguồn hàng, hình thức phân phối, kể cả việc mở lại các chợ truyền thống để nhanh chóng đưa hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng.

TP.HCM gấp rút mở lại chợ để “chia lửa” với siêu thị

Nhiều chợ truyền thống sẽ sớm được mở cửa trở lại để "chia lửa" với siêu thị

Không có chuyện đóng cửa siêu thị

Do xuất hiện nhiều tin đồn tiêu cực liên quan đến dịch Covid-19 nên từ sáng sớm hôm nay (ngày 14/7) nhiều người dân TP.HCM đã tập trung tại các siêu thị, cửa hàng để chờ mua thực phẩm, hàng thiết yếu dẫn đến tình trạng quá tải. Tại nhiều cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Bách hoá Xanh, VinMart, Co.op Food, Satrafoods… dòng người xếp hàng chờ mua sắm nối dài. Ở một số thời điểm, một số siêu thị phải đóng cửa tạm thời để giải tán bớt đám đông.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, các DN phân phối bán lẻ không bị điều chỉnh bởi quy định tại văn bản số 2337 của UBND TP.HCM về những DN phải tạm dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15/7

Cụ thể, các hệ thống bán lẻ hiện hữu sẽ tiếp tục mở cửa hoạt động bình thường, tăng cường hàng hoá lên gấp nhiều lần so với thời điểm chưa bùng phát dịch và không có chuyện đóng cửa siêu thị, nông sản thực phẩm không được vận chuyển vào TP.HCM như một số thông tin đồn thổi. 

hang-hoa-7621-1626256883.jpg

Các siêu thị tăng cường hàng hoá lên gấp nhiều lần so với thời điểm chưa bùng phát dịch

"TP.HCM chỉ còn hơn 50 chợ truyền thống hoạt động nên việc cung cấp thực phẩm tươi sống phục vụ tiêu dùng hằng ngày cho người dân đổ dồn lên hệ thống phân phối hiện đại gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nhiều siêu thị, cửa hàng cũng phải tạm đóng cửa do liên quan ca nhiễm Covid-19 nên việc cung ứng hàng hoá cho người dân gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, thời gian qua các hệ thống phân phối bị thiếu hụt khoảng 20-25% nhân sự do nhiều người lao động là F0, F1, F2… nên không tránh khỏi những thời điểm quá tải, không đáp ứng được nhu cầu", ông Phương nhìn nhận thực tế.  

Chia sẻ vấn đề này, lãnh đạo Saigon Co.op cho rằng, dù nhiều lần thực hiện giãn cách nhưng hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn được duy trì hoạt động xuyên suốt để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân. Nhưng trong từng đợt giãn cách đều xuất hiện những thông tin đồn thổi thiếu kiểm chứng khiến người dân hoang mang, từ đó tạo làn sóng tích trữ hàng hóa dồn dập và  tập trung đông người khiến hệ thống các điểm cung ứng lương thực thực phẩm đều quá tải, tắc nghẽn cục bộ.  

“Do vậy, người dân yên tâm là lương thực, thực phẩm không bao giờ thiếu, cần bình tĩnh, mua sắm vừa phải, phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của các siêu thị để lương thực thực phẩm được phục vụ cho càng nhiều người càng tốt”, lãnh đạo Saigon Co.op nói.

Hang-hoa-2-8032-1626256883.jpg

Người dân cần yên tâm lương thực, thực phẩm không bao giờ thiếu

Mở lại chợ truyền thống

Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn trưa ngày 14/7, lãnh đạo Saigon Co.op cho biết lượng thịt tươi, trứng, rau củ quả đã thuận lợi nhập về cho gần 300 các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food tại TP.HCM tăng hơn 30% so với các ngày trước. Cộng với lượng dữ trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá…, nguồn hàng tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định hơn trong thời gian từ 3 đến 6 tháng tới. 

Trước đó, trong chiều ngày 13/7, các hệ thống bán lẻ khác như Aeon, MM Mega Market, Lotte Mart, Big C, Emart, Satra, Bach Hoá Xanh… cũng đã triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hoá tăng từ 15-30% trong ngày 14/7. Hàng hoá từ các tỉnh vận chuyển về TP.HCM và từ kho trung tâm chuyển đến các điểm bán trên địa bàn vẫn đảm bảo thông suốt, phương tiện vận chuyển hàng hoá được ưu tiên luồng xanh để qua các chốt kiểm soát dịch.

Hiện Sở Công Thương đang tích cực vận động các nguồn lực xã hội phối hợp mở thêm kênh cung cấp hàng hoá cho người dân, đặc biệt là người dân tại các khu vực đang bị phong toả, cách ly, không thể đi ra ngoài mua sắm. 

Cũng trong ngày 14/7, tại buổi làm việc với UBND huyện hóc Môn về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đang xem xét mở lại chợ truyền thống để cung cấp hàng thực phẩm tươi sống cho người dân, không để người dân thiếu thốn, khó khăn khi mua lương thực, nhất là tại các khu phong toả. 

Cho-truyen-thong-jpeg-1659-1626256883.jp

Các chợ truyền thống sẽ sớm được mở cửa trở lại 

Sở Công Thương đang lên kế hoạch thực hiện và sớm thí điểm triển khai tại các địa phương. Theo đó, mỗi chợ chỉ chọn vài tiểu thương có đủ năng lực cung cấp các mặt hàng thiết yếu là cá, thịt và rau, củ, quả. Tiểu thương sẽ chia hàng hóa nhỏ trong từng túi, đồng giá, người dân chỉ việc đến lấy túi hàng, để lại tiền, hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra, người dân sẽ được phát phiếu đi chợ, đảm bảo yêu cầu giãn cách, không tập trung tại một quầy hàng.

Cùng với việc tăng cường nguồn hàng, các nhà bán lẻ cũng tăng cường bán hàng lưu động. Trong đó, Aeon, Satra, Co.opmart… đã tổ chức bán hàng lưu động. Chỉ riêng trung tâm thương mại Củ Chi của Satra trong ngày 11 và 12/7 đã tổ chức đến 31 chuyến bán hàng lưu động tại huyện này. Aeon mới tổ chức hôm qua nhưng cũng đã có 8 chuyến hàng gồm rau, củ, thịt cá, trứng, trái cây, thực phẩm khô, thức ăn chế biến sẵn… được đưa bán đến tận nhà dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM gấp rút mở lại chợ để “chia lửa” với siêu thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO