Doanh nghiệp ô tô không thể công bố kế hoạch sản xuất vì Covid-19

Hồng Nga| 29/05/2020 00:02

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới không chỉ khiến các hãng ô tô sụt giảm doanh số mà còn gây khó khăn trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất trong tương lai.

Doanh nghiệp ô tô không thể công bố kế hoạch sản xuất vì Covid-19

Sụt giảm toàn tập

Trong một công bố hồi giữa tháng 5/2020 được Reuters đăng tải, sản lượng bán xe toàn cầu trong năm tài chính 2020 của Tập đoàn ô tô Toyota đã giảm 18.372 xe so với năm tài khoá trước, xuống còn 8,9 triệu xe. Lợi nhuận của hãng cũng đã giảm tới 19,8%, xuống còn 2,44 nghìn tỷ yên trong năm tài khoá 2019 - 2020. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của hãng kể từ năm 2011. Hãng cũng có thể mất tới 1,5 nghìn tỷ yên (tương đương 13,95 tỷ USD) lợi nhuận do doanh số lao dốc trong thời gian qua. 

Cũng như thế, ảnh hưởng từ Covid-19 khiến sản lượng bán hàng của Tập đoàn Honda toàn cầu giảm trong cả 3 lĩnh vực, gồm ô tô, xe máy và sản phẩm máy động lực. Cụ thể, trong năm tài chính 2020, sản lượng bán hàng của tập đoàn này, bao gồm xe máy, ô tô và sản phẩm máy động lực chỉ đạt khoảng 29,8 triệu sản phẩm. Ở mảng xe máy, sản lượng bán hàng toàn cầu chỉ đạt hơn 19,3 triệu xe, giảm 4,4% so với năm tài chính 2019. Sự sụt giảm này đến từ sự suy thoái của thị trường Ấn Độ, dù thị trường Việt Nam và Philippines tăng trưởng lớn. Ở mảng ô tô, thương hiệu này chỉ bán ra gần 4,8 triệu xe, giảm 10% so với năm tài chính 2019. Tương tự, sản lượng kinh doanh sản phẩm máy động lực của tập đoàn cũng chỉ đạt hơn 5,7 triệu sản phẩm, giảm 9,5% so với năm trước.

Hãng xe thể thao hạng sang Porsche cũng cho biết đang đối mặt với những ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19.  Porsche hiện đang đối mặt với những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 trong ba tháng đầu năm 2020. Cụ thể, kết quả hoạt động của công ty giảm 34%, tương đương 0,6 tỷ Euro so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là 9,5%, doanh số giảm 5%. Tính đến cuối tháng 3/2020, Hãng đã giao 53.125 chiếc cho khách hàng. 

Ông Lutz Meschke, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm thành viên Ban Tài chính và Công Nghệ Thông Tin tại Porsche AG cho biết: "Cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid-19 là một thách thức lớn đối với Porsche. Điều quan trọng là phải duy trì được phương cách quản lý có hệ thống và cách tiếp cận toàn diện với tinh thần lạc quan, để khi cuộc khủng hoảng kết thúc, công việc có thể được phục hồi ở mức tối đa và đạt hiệu quả. Chúng tôi đang hướng những khoản đầu tư lớn trong tương lai vào lĩnh vực di động điện và số hóa cho những mẫu xe thể thao Porsche".

o-to-khung-hoang-3-1548-1590717695.jpg

Nhiều hãng ô tô đối diện khó khăn bởi dịch Covid-19

 Ông Lutz Meschkecũng cho biết thêm, do cuộc khủng hoảng Covid-19, sự cắt giảm về khối lượng và chi phí đầu tư lớn vào công nghệ di động điện và kỹ thuật số đã làm chậm quá trình phát triển tích cực. Thêm vào đó là những chi phí dành cho việc giới thiệu các mẫu xe mới – đặc biệt là dòng xe thuần điện Taycan. Những chi phí này không thể bù trừ bằng doanh thu tăng trong quý đầu tiên.

Hãng xe Mỹ Ford cũng bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch. Trong tháng 3/2020, tập đoàn này đã phải tạm đóng cửa một loạt các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Nam Phi. Một tháng sau đó, hãng mở cửa trở lại nhà máy tại Việt Nam. Các nhà máy tại Mỹ mở cửa từ ngày 18/5 này nhưng lại phải tiếp tục tạm dừng sản vì nhân viên nhà máy được xác định dương tính với Covid-19. Hãng Ford chưa công bố con số giảm sút về doanh thu nhưng theo các chuyên gia là không hề nhỏ.

Tập đoàn sụt giảm doanh thu và các công ty con cũng không thoát khỏi tình cảnh đó. Theo ông Nguyễn Huy Trung - Giám đốc Khối Đối ngoại Công ty Honda Việt Nam, trong năm qua, mặc dù Honda Việt Nam đưa ra thị trường 2 mẩu xe mới là Brio và Accord thế hệ thứ 10 cùng với việc tăng cường hệ thống phân phối (khai trương thêm 6 đại lý mới, nâng tổng số đại lý của thương hiệu này lên con số 38) nhưng doanh số ô tô của hãng cũng giảm gần 8% so với kỳ trước. Kết thúc năm tài chính 2020, doanh số bán hàng ô tô của Honda Việt Nam cũng chỉ đạt hơn 29.700 xe.

Theo đại diện Tập đoàn Honda, sự sụt giảm doanh thu thời gian qua là do những tác động tới từ thuế tiêu thụ cũng như ảnh hưởng của việc nguồn cung cấp phụ tùng bị hạn chế trong giai đoạn đại dịch. Còn Chủ tịch Tập đoàn Toyota Akio Toyoda thì khẳng định: “Cuộc suy thoái do dịch Covid-19 gây ra trong năm nay có thể còn tồi tệ hơn những gì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 mang lại”.  

o-to-khung-hoang-2-4390-1590717695.jpg

Các hãng xe bắt đầu hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng sản xuất

Không thể vạch định số lượng cụ thể

Không chỉ gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các hãng, Covid-19 còn khiến các công ty không thể công bố kế hoạch sản xuất trong thời gian tới. Thông thường, kết thúc năm tài chính vào tháng 3 hằng năm, các hãng đều đưa ra con số sản xuất cho năm kế tiếp, thế nhưng năm nay, nhiều hãng cho biết không thể đưa ra số lượng chi tiết vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp! 

Lý giải điều này, ông Nguyễn Huy Trung cho rằng: “Do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên tập đoàn chưa thể chia sẻ kế hoạch sản lượng cho năm tài chính 2021. Honda sẽ cung cấp thông tin ngay khi có được những dự đoán cho kết quả kinh doanh năm tài chính tới”.

Ngày 20/5 vừa qua, chiếc Range Rover đầu tiên của hãng xe Anh quốc ra mắt tại nhà máy Jaguar Land Rover ở Solihull (Anh), đánh dấu việc sản xuất trở lại của hãng này sau khi tạm dừng hoạt động do đại dịch. Ông Grant McPherson- Giám đốc Điều hành Sản xuất của Jaguar Land Rover cho rằng: “Sự kiện đánh dấu sự bắt đầu quay trở lại hoạt động bình thường nhưng là một sự bình thường với tiêu chuẩn mới trong thời kỳ thách thức hiện nay”. Cùng với nhà máy tại Anh, việc sản xuất xe của Jaguar và Land Rover cũng dần khởi động lại trong cuối tháng này tại các cơ sở ở Nitra (Slovakia) và Graz (Áo). Và dĩ nhiên, hãng cũng không công bố kế hoạch sản xuất trong năm nay.  

o-to-khung-hoang-7731-1590717695.jpg

Chiếc Range Rover đầu tiên của hãng xe Jaguar Land Rover vừa xuất xưởng sau thời gian các nhà máy của hãng này tạm ngưng hoạt động vì dịch

Ông Lutz Meschke cho rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid-19 là một thách thức lớn đối với Porsche và cho biết quyết tâm đưa ra các quyết định đúng đắn để ứng phó với cuộc khủng hoảng và xem đây là một cơ hội. “Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào việc quản lý các chi phí, tính thanh khoản và dòng tiền, để giữ vững doanh nghiệp cũng như sẵn sàng trở lại khi khủng hoảng qua đi để thực hiện toàn bộ chiến lược đã đề ra”, ông Lutz Meschke nói.

Tập đoàn Toyota cũng không thể đưa ra con số cụ thể cho kế hoạch sản xuất năm tài khoá 2021. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn này dự báo sản lượng tiêu thụ của hãng có thể tiếp tục giảm xuống còn 7 triệu xe trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021. 

Tại Việt Nam, Ford Việt Nam chỉ còn cách “quyết tâm củng cố hoạt động trên tinh thần chủ động, tích cực chung tay với Chính phủ chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp, khách hàng”. Ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết: “Mặc dù nhịp sống của người dân tại Việt Nam đã bắt đầu quay trở lại bình thường, nhưng những tác động từ “cuộc khủng hoảng” Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn về tài chính. Và hoạt động kinh doanh của Ford cũng không nằm ngoài vòng xoáy của những ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự tương trợ giữa các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ hay cá nhân cùng với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ chính là yếu tố quan trọng cho sự phục hồi kinh tế của đất nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp ô tô không thể công bố kế hoạch sản xuất vì Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO