Đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam và Israel

Lan Hương| 26/11/2020 04:44

Là quốc gia có quy mô dân số chỉ khoảng 9,3 triệu người và dung lượng thị trường không lớn, Israel đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông (sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE và Thổ Nhĩ Kỳ).

Đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam và Israel

Ngày 23/11/2020, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam-Israel 2020.

Là quốc gia có quy mô dân số chỉ khoảng 9,3 triệu người và dung lượng thị trường không lớn, Israel đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE và Thổ Nhĩ Kỳ).

Nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh hàng xuất khẩu của Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, giày dép, dệt may, hàng tiêu dùng... tới thị trường Israel, đồng thời kết nối các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác kinh doanh nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ tiềm năng ở thị trường Israel theo hình thức B2B trên nền tảng trực tuyến trong điều kiện đại dịch Covid-19, theo sáng kiến của Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Israel 2020.

Sự kiện kết nối giao thương được tổ chức gồm hai phiên: Phiên toàn thể và các Phiên giao thương riêng, kết nối trực tuyến 1:1 giữa các doanh nghiệp Việt Nam với từng nhà nhập khẩu tiềm năng Israel theo phân nhóm mặt hàng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ze’ev - đại diện FICC đánh giá cao sáng kiến của Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel về việc đặt vấn đề tổ chức sự kiện kết nối giao thương trực tuyến.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, việc tổ chức sự kiện là hoạt động quan trọng nhằm giúp cho các nhà nhập khẩu Israel có điều kiện tiếp cận và gặp gỡ trao đổi trực tuyến với các nhà cung cấp Việt Nam về các nhóm hàng nông sản, lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng là những mặt hàng hiện nay phía Israel đang có nhu cầu nhập khẩu lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.

Đại diện thương mại Việt Nam và Israel trao đổi thông tin sản phẩm tiêu dùng Việt Nam.

Đại diện thương mại Việt Nam và Israel trao đổi thông tin sản phẩm tiêu dùng Việt Nam.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hai bên sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác thông qua sự kiện, đặc biệt, các doanh nghiệp Israel được gặp gỡ trực tiếp và trao đổi, đàm phán với các nhà xuất khẩu những mặt hàng mà phía Israel có nhu cầu như hàng nông sản, dệt may, da giày,…

Thông qua việc giới thiệu những thành tựu đạt được của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt là những thành công trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid -19 thời gian qua, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng khẳng định, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động hợp tác kinh doanh đối với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Israel nói riêng.

Về phần mình, Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel Lê Thái Hòa khẳng định: “Việt Nam luôn mong muốn phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với Israel và coi Israel là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất ở khu vực Trung Đông”.

Theo đó, trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng trong thời gian qua bất chấp những ảnh hưởng xấu của đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng từ 1,06 tỷ USD lên 1,16 tỷ USD, nhưng chỉ tính riêng 10 tháng của năm 2020, con số đó đã đạt 1,29 tỷ USD.

Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông, chỉ sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam hiện nay xuất khẩu sang Israel khoảng 60 mặt hàng bao gồm chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, hạt điều, cafe, dệt may, da giày, điện thoại và linh kiện…

Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel cũng cho biết về những thế mạnh của thị trường Việt Nam và lợi ích cho các doanh nghiệp Israel khi hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam. Đồng thời, ông Hòa cũng chỉ ra những cơ hội hợp tác kinh tế - thương mại rất triển vọng trong thời gian tới dành cho doanh nghiệp hai bên khi hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel được ký kết.

Sau phiên toàn thể, hơn 40 doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực nông sản (gạo, hạt tiêu, cơm dừa, nấm, gừng), thực phẩm (thủy hải sản, gia vị, các loại hạt và trái cây sấy khô, bánh kẹo), giày dép, quần áo, thiết bị vật tư găng tay y tế,... trong đó có trên 20 nhà nhập khẩu hàng đầu của Israel gồm các công ty nhập khẩu đầu mối và chuỗi siêu thị bán lẻ hàng hóa tại Israel bước vào phiên giao thương B2B.

Có thể nói, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra khiến việc xúc tiến thương mại theo các cách thức truyền thống bị hạn chế, sự kiện kết nối giao thương B2B cho các doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến nói trên mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm đối tác, thông qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

(Theo Thế giới & Việt Nam - Tựa bài do DNSG đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam và Israel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO