Giữ vai trò động lực tăng trưởng của TP.HCM là vấn đề quốc gia, không phải việc của riêng thành phố

Băng Tâm| 05/05/2021 00:56

TS Trần Du Lịch đã khẳng định như vậy khi phát biểu tham luận tại Hội thảo Khoa học Định hướng phát triển TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 do UBND TP tổ chức sáng 5/5.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc hội thảo

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (bìa phải) phát biểu khai mạc Hội thảo "Khoa học Định hướng Phát triển TP.HCM" giai đoạn 2021-2030

Động lực tăng trưởng đang chậm lại

TP.HCM trong hơn 45 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước. 

Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Thành phố vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371 ngàn tỷ đồng và vẫn đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố đã tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020, điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có hiệu quả và khẳng định một lần nữa sức mạnh nội tại của nền kinh tế Thành phố.  

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những mục tiêu trung và dài hạn theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11, TP xác định những định hướng mới. Do vậy, phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Thành phố nhận thức cần phải phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, nhất là khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố. Tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá để phát triển Thành phố trong bối cảnh mới và cụ thể các mô hình, giải pháp này như là một đầu bài trong nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, việc tổ chức Hội thảo hôm nay là một trong số nhiều giải pháp để Thành phố lắng nghe các ý kiến, hiến kế của quý vị nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của Thành phố, đưa Thành phố hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế. 

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch đánh giá cao việc TP.HCM đã mời một số địa phương trong vùng tham gia hội thảo. Bởi ông cho rằng tìm kiếm giải pháp duy trì động lực tăng trưởng của TP.HCM là vấn đề quốc gia chứ không phải của riêng Thành phố. “Nếu xem vai trò này là nhiệm vụ của TP.HCM là không đủ. Đất nước này phát triển được phải tận dụng động lực tăng trưởng của TP.HCM”, ông Lịch nhấn mạnh.

Ông Trần Du Lịch cho rằng tìm giải pháp duy trì động lực tăng trưởng của TPHCM là vấ đề quốc gia

Ông Trần Du Lịch cho rằng tìm giải pháp duy trì động lực tăng trưởng của TP.HCM là vấn đề quốc gia

Nhìn lại quá trình phát triển của TP.HCM trong hơn 45 năm qua, vai trò, vị trí của Thành phố đã nâng lên theo từng thời kỳ. Từ vai trò hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến nay đã nâng lên vai trò của TP.HCM phải ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.

Nhìn lại đến nay TP vẫn đóng hơn 20% GDP và 30% ngân sách, nhưng một số ngành giảm dần về tỉ trọng, trong đó có tỉ trọng về dịch vụ thị trường tài chính đã giảm so với kỳ vọng.

Giai đoạn 1991 -2010, TP là địa phương có tốc độ tăng trưởng hai con số, tương đương 1,5 lần cả nước. Giai đoạn sau đó đến 2020 còn 7,5%. Năm 2020 lần đầu tiên TP có tốc độ tăng trưởng 1,39% có yếu tố khách quan. 

Điều này đặt ra vấn đề về khả năng chống chịu của nền kinh tế TP đang yếu dần. Trước biến động toàn cầu, vấn đề là TP xem lại khả năng chống chịu trước biến động bất thường của nền kinh tế trên địa bàn, bộc lộ những bất ổn về mặt cơ cấu. Bất cập lớn nhất của TP.HCM, theo TS Trần Du Lịch vẫn là hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng, quá chậm trễ.

Ai cũng nhận thấy TPHCM là đô thị đặc biệt, nhiều lần có cơ chế đặc thù nhưng cơ bản vẫn là áo chật, kìm hãm khả năng năng động, sáng tạo của Thành phố.

Bốn mục tiêu dài hạn cho TP.HCM

Từ nhận định như vậy, ông Trần Du Lịch cho rằng, để TP.HCM giữ vai trò đầu tàu động lực tăng trưởng của cả nước phải thực hiện được ít nhất bốn mục tiêu.

Thứ nhất, trong 10 năm tới hướng tới mục tiêu tốc độ tăng trưởng của TP.HCM phải duy trì ít nhất 1,2 -1,5 lần bình quân cả nước.

Chiến lược 10 năm cả nước đã có, đó là cơ sở cho TP xác định mục tiêu tăng trưởng cụ thể. 

Thứ hai, hoạt động kinh tế trên địa bàn TP phải là nơi mang tính thị trường nhất cả nước… Thứ ba, nâng cao vai trò của ngõ giao lưu kinh tế trong nước với quốc tế. TP.HCM là địa phương duy nhất có lợi thế về vị trí kết nối đường không với thủ đô các nước ASEAN chỉ trong vòng 1 – 2 giờ. TP.HCM phải là nơi thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao cạnh tranh thể chế của nhóm ASEAN 4. Thực tế vấn đề này đang tụt dần.

Thứ tư, ba yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh: thế chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng phải là đặc điểm nổi trội của TP.HCM, thực tế ba yếu tố này đang bị yếu kém.

TS Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh lợi thế hội tụ lập nghiệp, khởi nghiệp của TP.HCM trong hơn 45 năm qua. Trong hơn 700 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động thì có đến 50% doanh nghiệp tại TP.HCM. Từ cái nôi lập nghiệp của người dân cả nước, trong  bối cảnh mới, TP phải trở thành nơi hội tụ khởi nghiệp cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hai giải pháp đột phá 

Để làm được những mục tiêu trên, TS Trần Du Lịch đề xuất Thành phố phải giải quyết hai vấn đề cũng là hai giải pháp đột phá đang kìm hãm sự phát triển của Thành phố.

Muốn tạo ra đột phá, ông Lịch cho rằng, trước hết phải giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối vùng.

Một thực trạng đáng buồn, TP.HCM đã có quy hoạch giao thông vùng với 4 vành đai nhưng đến nay chưa hoàn thành bất kỳ tuyến vành đai nào, đều còn dang dở. Với giao thông như vậy, ông Lịch khẳng định không bao giờ có liên kết vùng. Không đột phá được giao thông kết nối thì TP.HCM sẽ bị bó, không phát triển được. Tư duy là đô thị vùng, kinh tế vùng chứ không phải phát triển cho TP. “Quy hoạch làm đường nào, bao nhiêu, rất chi tiết nhưng không biết ai làm”, ông Lịch nêu thực trạng.

Thứ hai là thể chế. Theo ông Trần Du Lịch, TP.HCM không cần cơ chế đặc thù mà cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, điều 11, 12 và 13 đã nêu 3 cơ chế rất rõ về phân cấp, phân quyền và uỷ quyền nhưng các luật chuyên ngành không có cơ chế này. Do đó ông Lịch đề xuất căn cứ điều 11, 12 và 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời rà lại luật liên quan để chế định vấn đề nào có thể phân cấp, uỷ quyền để có căn cứ cho TP hoàn toàn có thể năng động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm với vấn đề đó.

Nếu giải quyết được những vấn đề trên, TS Trần Du Lịch khẳng định TP sẽ phát huy được vai trò, vị trí, duy trì vai trò động lực tăng trưởng của cả nước. Đây là vấn đề của quốc gia, không phải việc của riêng Thành phố.

Gần 90 bài tham luận, hiến kế phát triển TPHCM gửi về Hội thảo

Gần 90 bài tham luận, hiến kế phát triển TP.HCM đã được gửi về Hội thảo sáng 5/5

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữ vai trò động lực tăng trưởng của TP.HCM là vấn đề quốc gia, không phải việc của riêng thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO