TP.HCM: Shipper được đề xuất ưu tiên tiêm vaccine

Phan Nhung| 13/07/2021 09:58

Chiều 12/7, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh cùng Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền Thông TP Từ Lương đã chủ trì cuộc họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP và một số vấn đề về vaccine, cung ứng hàng hóa.

Tham dự có Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm và Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng.

5-4659-1626111566.jpg

Phó trưởng ban Thường trực Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh và Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông TP Từ Lương chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Khang Minh

Lưu lượng xe đi lại tại TP đã giảm 70-80% 

Liên quan đến sự việc ùn tắc giao thông tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm (Q. Gò Vấp) vào sáng 12/7, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, để giải quyết tình trạng này, Sở phối hợp với Q. Gò Vấp cũng như các quận, huyện khác linh hoạt trong quá trình lập, hoạt động tại các chốt, trạm phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, Sở tiến hành phân luồng, điều phối giao thông từ xa; tổ chức phân luồng tạo làn riêng (làn xanh) và ưu tiên kiểm tra nhanh đối với các phương tiện đã được Sở cấp giấy nhận diện.

3-a875-3876-1626111566.jpg

Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

"Hiện việc chấp hành CT 16 trên địa bàn TP rất tốt khi lưu lượng giao thông giảm từ 70-80%. Chúng tôi sẽ phối hợp để không tái diễn việc ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát trong thời gian tới" - ông Trần Quang Lâm khẳng định.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND Q. Gò Vấp cho biết thêm, trong những ngày qua, hầu như chốt nào trên địa bàn quận cũng ghi nhận người dân ra đường không có lý do chính đáng, khiến các cơ quan chức năng phải xử phạt.

Tính từ 0 giờ ngày 9/7 đến 17 giờ ngày 12/7, TP.HCM đã tổ chức hơn 7.000 cuộc kiểm tra việc chấp hành CT 16, qua đó lập biên bản xử phạt hành chính 1.243 vụ với số tiền phạt là hơn 3 tỷ đồng. Riêng từ 17 giờ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 12/7, số tiền phạt là 2.289 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với hai ngày đầu.

Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho shipper

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm shipper trong đợt tiêm chủng tới để đảm bảo giao nhận hàng hóa trong thành phố. 

chot-zing-3-1117-1626111566.jpg

Ngành giao thông vận tải sẽ đề xuất tiêm chủng cho nhóm shipper. Ảnh: Chí Hùng

Ông Lâm cũng cho biết thêm, trong đợt tiêm vaccine thứ 4 vừa qua, ngànhGTVT được cấp 11.429 liều vaccine, Sở đã tập trung tiêm cho nhóm tài xế. Theo đó, 10.000 tài xế đã được tiêm, gồm 4.000 tài xế xe tải, 6.000 tài xế taxi, xe buýt. Ông Lâm cho biết đã tiêm cho khoảng 70% số tài xế xe buýt của thành phố. Còn với nhóm taxi mới tiêm được khoảng 1.000 người, và còn khoảng 7.000 tài xế taxi và 8.000 tài xế xe tải cần phải tiêm vaccine.

Ngoài ra, ông Trần Quang Lâm cho hay một số đơn vị như Grab đã đề xuất tiêm vaccine cho nhóm shipper và Sở Công Thương cũng đã tổng hợp nhu cầu. "Những nhóm này chúng tôi đề nghị ưu tiên để duy trì hoạt động giao nhận hàng hóa trong khi giãn cách, hạn chế việc mà người dân đi lại thì shipper sẽ giao nhận hàng hóa. Sắp tới, chúng tôi tổng hợp nhu cầu và đề xuất ưu tiên", ông Lâm nói.

Giám đốc Sở GTVT cũng khẳng định trong số các tỉnh, thành trên cả nước - TP.HCM là nơi có lượng tài xế xe buýt, xe tải được tiêm nhiều nhất và sớm nhất.

Bộ Y tế cho phép thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà

Ngày 12/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc thực hiện cách lý F1 tại nhà. Theo đó, xét kiến nghị của Bộ Y tế (BYT) về việc cho phép thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà theo đề nghị của các tỉnh, TP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý cho thực hiện và phải đảm bảo an toàn. 

Theo hướng dẫn của BYT, người thuộc đối tượng F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.

BYT yêu cầu người cách ly tại nhà phải chấp hành nghiêm các quy định và thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương: Không ra khỏi phòng cách ly; trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác.

Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly... Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định

Nơi cách ly là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập). Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19". Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế.

Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu: Phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (sau đây gọi tắt là dung dịch sát khuẩn tay). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.

Hướng dẫn của BYT lưu ý: Không được dùng điều hòa trung tâm. Có thể dùng điều hòa riêng. Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ...

Thông tin về tình hình hệ thống phân phối hàng hóa trên toàn TP, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết toàn TP có 169 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối) và 4 siêu thị đang tạm ngưng hoạt động. Trong đó, 4 siêu thị tạm ngưng do có ca nhiễm Covid-19, các chợ truyền thống do địa phương đánh giá theo tiêu chí an toàn và yêu cầu tạm ngưng hoạt động.

Việc các chợ ngưng hoạt động đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân. Nguồn hàng hóa cung ứng một số nơi bị thiếu hàng cục bộ, chủ yếu là thực phẩm tươi sống. Sở đã triển khai quyết liệt các biện pháp, tuy nhiên do tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương và các vùng nguyên liệu diễn biến phức tạp, các địa phương tăng cường áp dụng biện pháp phòng chống dịch, dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

"Không có tình trạng thiếu hàng và tăng giá"

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, việc thiếu hàng hóa chỉ xảy ra tại các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, nhất là các cửa hàng tiện lợi. Với đặc thù diện tích cửa hàng nhỏ, không có kho dự trữ hàng hóa, nên trong một thời điểm nhiều người cùng mua hàng sẽ làm hàng hóa bị gián đoạn hoặc thiếu hàng cục bộ.

4-a758-4393-1626111566.jpg

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương: "Không có tình trạng thiếu hàng và tăng giá". Ảnh: TTBC

“Các hệ thống siêu thị lớn có kho hàng dự trữ lớn, số lượng quầy kệ nhiều nên nguồn hàng dự trữ đầy đủ, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng. Giá cả cũng được đảm bảo giữ mức bình ổn, không có hiện tượng tăng giá”, ông Phương cho biết thêm.

Liên quan đến thông tin người dân chia sẻ trên cộng đồng mạng về việc một số sản phẩm có giá bán quá cao, đơn cử như một bắp cải có giá hơn 200 nghìn đồng, Sở Công Thương cho biết, tại một số hệ thống siêu thị có những sản phẩm đặc thù, hàng nhập khẩu có mức giá cao phục vụ theo nhu cầu người dân; dẫn đến việc người dân dễ bị nhầm lẫn giá cả tăng nhiều. Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối lớn cạnh tranh rất quyết liệt, việc tự tăng giá ở các hệ thống lớn là khó xảy ra.

Ngoài ra, để kiểm soát việc giá cả hàng hóa, Sở Công Thương đã cử lực lượng kiểm soát túc để theo dõi, bám sát tình hình giá cả thị trường và cung ứng hàng hóa, kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh. Sở cũng phối hợp với Quản lý thị trường nhắc nhở những trường hợp mua tích trữ nhiều, có dấu hiệu gom hàng và xử phạt với các trường hợp vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Shipper được đề xuất ưu tiên tiêm vaccine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO