Xác định và sử dụng hiệu quả 5 loại vốn

TS. Đoàn Duy Khương| 27/10/2021 09:00

Phát triển bền vững để tiến tới một xã hội phồn vinh thì phải duy trì hoặc tăng tất cả nguồn vốn, nhất là vốn tự nhiên thường bị cạn kiệt do sản xuất kinh tế.

Khái niệm nguồn lực hay còn gọi là nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng trong kinh tế thị trường. Theo các nhà quản lý, cần phân biệt 5 loại vốn: tài chính, tự nhiên, sản xuất, con người và xã hội. Tất cả đều là nguồn lực có khả năng tạo ra  sản phẩm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Việc sử dụng, duy trì và phát triển cả 5 loại vốn là rất cần thiết cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Vốn tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Vốn tự nhiên được tạo thành từ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái của thế giới tự nhiên. Vốn sản xuất bao gồm tài sản vật chất được tạo ra bằng sản xuất, có khả năng cung cấp luồng hàng hóa hoặc dịch vụ. Vốn con người là năng lực sản xuất của mỗi cá nhân, được thừa hưởng và có được thông qua giáo dục và đào tạo. Vốn xã hội (điều gây tranh cãi nhất và khó đo lường nhất) bao gồm niềm tin, sự hiểu biết lẫn nhau, các giá trị được chia sẻ và kiến thức xã hội như văn hóa, đạo đức...

Phát triển bền vững để tiến tới một xã hội phồn vinh thì phải duy trì hoặc tăng tất cả nguồn vốn, nhất là vốn tự nhiên thường bị cạn kiệt do sản xuất kinh tế. Do đó, bộ ba hoạt động kinh tế thiết yếu: sản xuất, tiêu dùng, phân phối phải được bổ sung thêm chức năng thứ tư, đó là duy trì tài nguyên và xây dựng đạo đức xã hội. Chính vì vậy, khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đang ngày càng phổ cập.

2134123-6393-1635259919.jpg

Mô hình 5 loại vốn cung cấp cơ sở để hiểu tính bền vững về khái niệm kinh tế của việc tạo ra của cải hay nguồn vốn. Bất kỳ tổ chức nào cũng sẽ sử dụng 5 loại vốn để sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ. Một tổ chức bền vững sẽ duy trì và nếu có thể nâng cao nguồn tài sản vốn này, thay vì làm cạn kiệt hoặc làm xuống cấp chúng.

Về bản chất, 5 nguồn lực phải được liên kết với nhau trong phát triển kinh tế. Các dự án có thể thành công với một giải pháp tối ưu. Phát triển bền vững chỉ có thể xảy ra nếu việc sản xuất diễn ra theo cách duy trì hoặc làm tăng các nguồn vốn. Hệ thống kinh tế - xã hội bền vững tạo ra dòng chảy hàng hóa và dịch vụ như mong muốn bằng cách sử dụng nguồn vốn tái tạo mà không làm cạn kiệt chúng. Trong kinh tế, trọng tâm đã chuyển từ công nghệ thâm dụng vật chất sang công nghệ thâm dụng thông tin. Những công nghệ này có thể tiết kiệm đồng thời ba yếu tố cổ điển của sản xuất: đất đai, lao động và vốn sản xuất.

Chính phủ nên cơ cấu lại nền kinh tế để tiếp tục giảm thiểu việc sử dụng nguồn lực vật chất trong tăng trưởng. Các biện pháp có thể được xem xét là chính sách tiền lương, an sinh xã hội, sửa đổi Luật Đất đai, thúc đẩy các phương pháp tiếp cận tích hợp theo định hướng vòng đời, áp dụng phí sử dụng tài nguyên, phí tổn hại môi trường, hỗ trợ tuổi thọ sản phẩm dài hơn, chẳng hạn như thông qua việc tăng thời gian bảo hành tối thiểu theo luật định.

Khu vực tư nhân có thể xác định mô hình kinh doanh mới liên quan đến việc cải thiện hiệu quả nguồn lực của quy trình sản xuất “ít nguyên liệu hơn” có nghĩa là “nhiều giá trị hơn”.

Người tiêu dùng cần nhận thức rõ hơn về vai trò mà mỗi người có thể đóng góp thông qua việc lựa chọn sản phẩm và hành vi tốt hơn.

Xác định rõ 5 nguồn lực kinh tế và có chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp sẽ là sự thể hiện tốt hơn về chất và lượng vốn đầu vào cho sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xác định và sử dụng hiệu quả 5 loại vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO