Không để đứt gãy hàng hóa thiết yếu

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:07, 29/06/2021

TP.HCM bước vào tuần cuối của tháng 6/2021 thực hiện giãn cách xã hội. Hàng loạt hàng quán đóng cửa, ngay cả chợ tạm cung cấp thực phẩm thiết yếu cho lực lượng lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất cũng bị yêu cầu tạm ngưng. Lúc này, mọi nhu yếu phẩm phục vụ cho hơn 10 triệu dân phải dựa vào hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và các chợ đầu mối...

Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương mới đây, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết kể từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát tại Thành phố tới nay, hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn vẫn đảm bảo an toàn. Để đảm bảo vừa chống dịch vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sở Công Thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm giúp doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, tránh bị đứt gãy. Cụ thể, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến với 22 tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ nhằm trao đổi thông tin hai chiều, dự báo tình hình thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương, thống nhất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, cung ứng đảm bảo lưu thông, vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhằm thích nghi với điều kiện Thành phố giãn cách xã hội, Sở Công Thương còn khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng online, tránh tình trạng tập trung đông người. Việc cung ứng hàng hóa cho các khu vực đang bị cách ly, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cấp giấy phép cho xe vận chuyển hàng hóa bình ổn thị trường được vào khu vực cách ly để cung cấp hàng hóa  thiết yếu cho người dân. Thành phố cũng có cơ chế hỗ trợ cho các xe vận chuyển hàng hóa bình ổn được lưu thông liên tục trên địa bàn 24/24.

Satra-3659-1624593110.jpg

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung ứng hàng thiết yếu có phương án không để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung cục bộ và tăng cường các biện pháp phòng dịch Covid-19. Ngay từ những ngày đầu Thành phố thực hiện giãn cách đợt hai, hàng loạt hệ thống siêu thị tiếp tục lên phương án tìm nguồn hàng, duy trì hệ thống cung ứng đến từng điểm bán. Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, từ đầu tháng 5, Saigon Co.op đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nhiều tháng và bảo đảm phương án vận chuyển, phân phối trong mọi tình huống. Hiện lượng hàng hóa  của đơn vị này từ các tỉnh về TP.HCM vẫn thông suốt, duy trì ổn định, nguồn hàng dồi dào. "Hàng hóa thiết yếu và hàng hóa chống dịch được lưu trữ và có chương trình lâu dài nên không sợ thiếu trong thời gian giãn cách", ông Nguyễn Anh Đức khẳng định.

Hiện ở khu vực TP.HCM, Saigon Co.op có gần 200 siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, Cheers, Finelife vẫn ngày đêm hoạt động để đảm bảo phòng tuyến lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Central Retail cũng thông tin: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng hàng dự trữ và có một kho dự trữ lớn cho các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, do lượng đơn hàng online đang tăng đột biến nên chúng tôi đã tăng cường thêm nhân viên giao hàng để phục vụ khách hàng. Chúng tôi cố gắng tối đa để dành những điều tốt nhất cho họ". 

Còn theo đại diện hệ thống bán lẻ Satra, đơn vị đã chuẩn bị sẵn các kịch bản nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng như tăng sản lượng đặt hàng từ các nhà cung cấp, sắp xếp lại kho hàng để tăng diện tích sử dụng, tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp mới để đa dạng hóa chủng loại, phối hợp với chợ Bình Điền trong việc tìm kiếm nguồn cung các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, rau, củ và các loại thủy hải sản tươi sống... Nhờ vậy, lượng hàng hiện có trong hệ thống đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. 

Kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM, AEON Việt Nam tăng mức dự trữ hàng hóa lên thêm 40%, đặc biệt với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô. Nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản còn phối hợp với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng và cộng đồng nhằm đảm bảo giá cả ổn định, không tăng giá đối với các mặt hàng có nhu cầu cao. Ngoài ra, AEON Việt Nam cung cấp đa dạng hình thức mua sắm gián tiếp cho khách hàng, để hạn chế tiếp xúc nhiều nơi đông người như bán online, đặt hàng qua điện thoại, triển khai dịch vụ "đi chợ hộ"... 

Minh Hào