Trẻ mồ côi do Covid-19: Những thương tổn cần được chữa lành

Hồng Như| 25/09/2021 04:38

N. bần thần ngồi nhìn di ảnh mẹ, nước mắt lặng lẽ chảy. 10 phút đưa mẹ vào phòng cấp cứu vì diễn tiến trở nặng, N. không nghĩ đó là lần sau cuối em còn nhìn thấy mẹ.

Trẻ mồ côi do Covid-19: Những thương tổn cần được chữa lành

Ảnh minh họa

Dịch bệnh khiến trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng, thậm chí nhiều trẻ rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân chăm sóc do cha, mẹ phải điều trị, cách ly hoặc tử vong vì nhiễm Covid-19.

N. là một trong số 1.500 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 mà Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM mới thống kê gần đây. Con số này, vào cuối tháng 8, tại TP.HCM là 250 trẻ. Những con số không biết nói dối. Sự khốc liệt của đại dịch đã hiển hiện mồn một trên mặt báo, số người tử vong, số ca nhiễm không ngừng tăng lên trong cộng đồng.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn biến nghiêm trọng hơn trên khắp Việt Nam, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, ngày càng nhiều trẻ em phải chịu đựng nỗi đau như N.

Những đứa trẻ, có thể nghèo khó nhưng đang sống yên bình bên gia đình, bỗng chốc đại dịch tách chúng ra khỏi những người thân yêu nhất, thậm chí đẩy chúng vào những môi trường sống khác. Chúng chỉ có thể gặp lại họ trong nỗi nhớ, trong những ký ức dài đăng đẳng. Có bao nhiêu đứa trẻ đủ vững vàng để chấp nhận mất mát, để tiếp nhận cuộc sống mới? “Di chứng” mà đại dịch để lại với trẻ em không có con số nào thống kê hay đo lường được.

Những ám ảnh tâm lý

Ở bất kỳ độ tuổi nào, chứng kiến người thân ra đi là điều khó khăn. Nhưng với trẻ em, điều này có thể đặc biệt gây bất ổn, thay đổi cuộc sống các em mãi mãi. Theo TS. Lê Minh Công - Chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Phó Trưởng khoa Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV, trẻ mồ côi vốn phải chịu cú sốc lớn về tâm lý. Trẻ mất đi người thân trong giai đoạn dịch Covid-19, cú sốc này càng khó vượt qua hơn. Tùy theo độ tuổi, sự hiểu biết và nhận thức, mỗi đứa trẻ sẽ có diễn biến tâm lý, cảm nhận sự mất mát khác nhau, dẫn đến những phản ứng khác nhau.

Chẳng hạn trẻ ở độ tuổi trung học cơ sở (11-15 tuổi) đã nhận thức được nỗi mất mát. Chúng sẽ có cảm giác lo âu, sợ hãi và ý thức rõ về sự chia ly.

“Với trẻ từ 1-6 tuổi, nếu có đủ cha mẹ thì quá trình phát triển sẽ an toàn và cân bằng. Con trai có xu hướng dựa vào mẹ, con gái sẽ dựa vào cha. Những trường hợp không thể tìm điểm tựa ở ba mẹ, trẻ sẽ gặp rất nhiều rất khó khăn” - TS. Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên nghiên cứu về sang chấn tâm lý và hậu sang chấn, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV chia sẻ.

Trong số 1.500 trẻ mồ côi được TP ghi nhận, có không ít trẻ mất cả cha, lẫn mẹ, phải nương nhờ nhà người thân, thậm chí thay đổi môi trường sống đột ngột khi chuyển về quê. Theo TS. Tú, nỗi mất mát lớn nhất bất cứ trẻ mồ côi nào cũng gặp phải là mất đi điểm tựa cơ bản về tình thương, cơ sở an toàn và trẻ buộc phải thích nghi lại từ đầu. Điều này rất khó bù đắp nếu người thân và xã hội không có những ‘tình yêu’ phù hợp.

TS. Tú cũng chỉ ra, nếu không có sự bù đắp yêu thương phù hợp, trẻ mồ côi trong tương lai thường rơi vào 3 trường hợp. Thứ nhất, trẻ luôn cảm thấy lo âu, sợ hãi. Thứ hai, chính vì cảm giác gắn bó không an toàn luôn thường trực nên trẻ sẽ có xu hướng “đu bám”, lệ thuộc vào người khác để tìm giá trị của bản thân. Thứ ba, với những trẻ phản kháng mạnh, yêu thương không phù hợp sẽ đẩy trẻ vào tình trạng vô tổ chức.

Mặc dù vậy, TS. Tú cũng nhấn mạnh về “sức bật của trẻ”. “Tôi tin mỗi người, đặc biệt là trẻ em đều có 4 yếu tố tiềm năng bên trong, gồm: năng lực tự thân, có thể làm mọi thứ; khả năng thích nghi cao; có thể xây dựng mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống và tinh thần lạc quan, hài hước. Đó là ‘những khoáng sản thiên nhiên của con người’. Chỉ cần được kích hoạt đúng cách, sẽ giúp trẻ phục hồi và vượt qua được khủng hoảng về mất mát” - TS. Tú nói.

Cần hỗ trợ đa dạng, đúng nhu cầu 

Theo TS. Lê Minh Công, trong cùng một thời điểm, khi dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, số lượng trẻ em mồ côi gia tăng đã gây sức ép lớn đến các tổ chức bảo trợ trẻ em, cơ quan, ban ngành và cả hệ thống xã hội. Sự lúng túng là điều khó tránh khỏi. Ông tin các hoạt động hỗ trợ trẻ em chắc chắn sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Công lưu ý các tổ chức, cá nhân nên tiếp cận trẻ trên nhiều yếu tố, phải đánh giá và phân tầng lại các nhóm đối tượng trẻ em cần hỗ trợ và hỗ trợ đúng nhu cầu.

Cụ thể, có những trẻ mồ côi, gia đình khó khăn thì hỗ trợ về vật chất là cần thiết. Với những trẻ điều kiện gia đình ổn định thì cần hỗ trợ những yếu tố khác, phù hợp hơn. “Trong giai đoạn này, cả gia đình và cộng đồng cần hiểu đúng nhu cầu của trẻ và đưa ra các hình thức hỗ trợ đa dạng như vật chất, giáo dục, mối quan hệ xã hội, sức khỏe tinh thần, tình yêu thương… Đặc biệt, sự hỗ trợ nên kéo dài theo một tiến trình, từ việc giải quyết các khủng hoảng ban đầu đến giúp trẻ nhận thức rõ vấn đề và trưởng thành thay vì ập đến một lúc rồi sau đó bỏ rơi trẻ” - TS. Công nhấn mạnh.

Về yếu tố tâm lý, bằng kinh nghiệm nhiều năm làm về trị liệu và chữa lành, TS. Tú gợi ý người thân của trẻ quan tâm đến 3 nhu cầu tâm lý cơ bản là: yêu thương vô điều kiện, lắng nghe vô điều kiện và thấu cảm vô điều kiện. Hiểu được nhu cầu này, những người còn lại trong gia đình có thể thay thế cha mẹ để yêu thương và quan tâm trẻ.

TS. Tú cũng đưa ra những gợi ý cụ thể. Chẳng hạn, người thân thường xuyên quan tâm, hỏi han và lắng nghe những cảm xúc, suy nghĩ của trẻ. Cùng trẻ chơi các trò chơi mà trước đây trẻ thường chơi với ba mẹ để gợi những ký ức tươi đẹp và chữa lành những tổn thương bên trong.

Ngoài ra, người thân có thể ôm trẻ vào lòng, tạo cho trẻ cảm giác an toàn, cùng đọc sách, kể các câu chuyện vui, nhiều giá trị để kích thích trí tưởng tượng, tinh thần lạc quan nhằm giúp trẻ thoát ra khỏi cách trạng thái tiêu cực.

Theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, mỗi trẻ mồ côi cả cha và mẹ dưới 4 tuổi sẽ được nhận trợ cấp 900.000 đồng/tháng; những em hơn 4 tuổi trở lên được trợ cấp 540.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, khi sống tại nơi nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ BHYT; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội.

Riêng tại TP.HCM, Hội đồng Đội Thành phố đã phát động chương trình hỗ trợ học bổng 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch Covid-19 cho đến khi các em học hết cấp 3. Ngoài ra, lãnh đạo tại quận, huyện và TP. Thủ Đức cũng tổ chức thăm hỏi, động viên và trao quà cho các trẻ em mồ côi. Đồng thời, các tổ chức có liên quan cũng đang tham mưu và xây dựng các chính sách hỗ trợ tạm thời và lâu dài cho nhóm đối tượng này. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban quốc gia đã ban hành quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH về việc hỗ trợ cho trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4 - 31/12/2021 với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/trẻ em.

Đồng thời, hỗ trợ 2.000.000 đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 - 31/12/2021. Nguồn kinh phí được trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trẻ mồ côi do Covid-19: Những thương tổn cần được chữa lành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO